Hiện chưa có sản phẩm |
TỔNG TIỀN: | 0₫ |
Xem giỏ hàng | Thanh toán |
Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu thì ô nhiễm môi trường và xâm nhập mặn là một vấn đề lớn mà nông dân đang quan tâm. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều vùng đã chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm vì những ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Mô hình lúa – tôm, tôm- lúa đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực, tuy nhiên đối với những vùng đất đã nhiễm mặn lâu và sâu thì mô hình lúa – tôm trở nên kém hiệu quả (do lúa chỉ chịu được độ mặn thấp).
Ngoài mô hình lúa – tôm như đã nêu ở trên thì hiện nay, tại một số tỉnh Tây Nam Bộ xuất hiện mô hình mới hiệu quả cũng không kém, mô hình cỏ - tôm. Nổi bật và chiếm đa số trong các loại cỏ đó là cây năn tượng. Vậy cây năn tượng có phải là giải pháp thích hợp cho bà con nông dân để cải thiện tình trạng nuôi tôm bị chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường nước và xâm nhập mặn như hiện nay?
Hiện nay, ở một số tỉnh Tây Nam Bộ như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang,…chính quyền địa phương đang vận động bà con nông dân trồng một số loại cỏ nước mặn như năn tượng, cỏ đuôi phụng, cỏ lông công, cỏ gạo… để cải tạo đất, tạo môi trường tốt để thả tôm nuôi. Trong số các loại cỏ này thì năn tượng đang trở thành một loại cỏ được nhiều người dân biết đến bởi độ chịu mặn cao, dễ trồng và không tốn công chăm sóc.
Cây Năn tượng, tên khoa học là Scirpus littoralis Schrab, còn có tên gọi khác là hến biển, thuộc họ Lác (Cyperaceae). Cây có thân hình trụ tròn, cao khoảng 1m, khi khô, thân có màu vàng rơm. Cây năn tượng mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, năn tượng được tìm thấy dọc theo vùng ven biển, từ Cần Giờ đến Hà Tiên (Kiên Giang). Năn tượng thường mọc tự nhiên bằng hạt trôi theo nước hoặc từ gốc của mùa trước, cây phát triển nhiều nhất trên nền đất bùn nhão. Cây có khả năng chịu được độ mặn cao (20 phần ngàn) và chịu được ngập sâu (đến 0,5m), thích hợp với các vùng nuôi tôm quản canh, nuôi tôm sinh thái tự nhiên.
Trong ao, vuông nuôi tôm, năn tượng vừa làm thức ăn cho tôm, vừa cải thiện môi trường và ổn định nhiệt độ nước trong vuông. Ngoài ra, năn tượng còn góp phần làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra, do đó làm tăng nồng độ khí oxy. Loài cây này có khả năng hấp thụ kim loại nặng như Mn, Ni, Cu, Zn và Pb.
Đây là cây thuộc nhóm cây tích lũy (accumulator) nên có thể dùng để cải thiện độ mặn trong đất vì nó có thể hấp thu được muối và tích lũy trong thân. Tuy nhiên, không nên trồng nhiều, vì nếu trồng nhiều cây sẽ tăng trưởng rất nhanh, rễ dày đặc nên khi cần tiêu diệt thì phải tốn rất nhiều công sức. Hơn thế nữa, nếu chúng ta không dọn sạch sẽ thì phần gốc rễ khi bị mục rữa sẽ làm giảm chất lượng nước trong vuông tôm.
Mặc dù không bằng cây lúa trong vấn đề cải tạo đất, tạo độ màu mỡ, cung cấp chất dinh dưỡng cho tôm nuôi, nhưng trồng năn tượng cũng thay thế lúa phần nào, không bỏ đất trống, vì như vậy nuôi tôm không đạt hiệu quả, nhất là thiếu nguồn thức ăn, tôm dễ phát sinh dịch bệnh và chết. Nhiều người dân quan sát và nhận định rằng khi trồng cỏ năn tượng với khoảng 30% diện tích đìa tôm thì tôm lớn nhanh và ít chết, kể cả khi trời nắng to kéo dài.
Năn tượng có thể sống với mật độ rất dày, từ 800 đến 1.000 cây/m2, hệ thống rễ chằng chịt của cây chính là nơi lọc mặn và giữ đất rất tốt. Trong quá trình năn tượng phát triển, các chồi non của cây cũng là nguồn thức ăn của cua, tôm, cá... Năn tượng chỉ sống và phát triển tốt và mùa mưa, những tháng nắng còn lại có sống sót nhưng rất ít. Ðến cuối mùa nắng, khi cây chết đi, thân cây lại cung cấp cho môi trường nguồn chất hữu cơ quan trọng.
Mô hình nuôi tôm, cua quảng canh trồng cây năn tượng truyền thống tại Cà Mau.
Năn tượng là cây mọc tự nhiên, điều kiện tự nhiên nơi đây phù hợp, nên nhẹ công chăm sóc. Ngoài ra, cây còn có chức năng lọc mặn, cải tạo ao tôm, điều hòa nhiệt độ trong nước, là nơi trú ngụ cho tôm, cua nơi trú ẩn động vật phù du và gây tảo tạo thức ăn tự nhiên cho tôm.
Tuy nhiên, mô hình trồng năn tượng trên nền đất tôm mới hình thành (2018) nên người dân chưa có kinh nghiệm nhiều đặc biệt là trong quá trình thu hoạch, thường nếu đến lứa năng thu hoạch, người dân thu hoạch không kịp, năng sẽ bị quá lứa, già đi và gục ngã quá nhiều trên nền đất tôm sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến tôm trong ao. Và việc ứng dụng cây năn tượng làm đồ gia công mỹ nghệ cũng ảnh hưởng.
Hình túi xách được làm từ cây năn tượng theo chương trình hợp tác của Etech STC.
Theo TS Dương Văn Ni, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Đa dạng Sinh học Hòa An - ĐH Cần Thơ trong bài viết: Trồng hến biển, giải pháp cho người nuôi tôm thất bại đăng trên website của Vusta – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã cung cấp kết quả nghiên cứu của ông, cụ thể:
Quan sát bằng mắt thường thấy tôm sú và cua ăn các ngó non và sử dụng môi trường của năng tượng để trốn kẻ thù. Kinh nghiệm của nông dân là nên giữ cây năn tượng khoảng 30% diện tích nuôi sẽ làm tôm lớn nhanh và ít bị rủi ro.
Khảo sát từ năm 2003 cho thấy là các ao nuôi có hến biển (cỏ năn tượng) chịu rủi ro ít hơn các ao nuôi khác đến 22.3%, đặc biệt là trong đợt nắng nóng và tôm chết hàng loạt năm 2004, sự chênh lệch nầy là 33.5%.
Qua kết quả của nhóm nghiên cứu, bà con nông dân có thể tự tin rằng cây năn tượng hoàn toàn có khả năng cải thiện tình trạng nuôi tôm bị chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường nước và xâm nhập mặn như hiện nay.
Mô hình này được ứng dụng rộng rãi và vai trò lọc tảo, lọc nước, giảm biến động môi trường, giảm biến đổi nhiệt trong nước, cải tạo đất từ cây năn tượng là rất rõ. Tuy nhiên để nuôi mật độ cao hơn người nuôi cần tạo thêm dòng chảy trong ao đây là mô hình cải tiếng của mô hình truyền thống chỉ đơn thuần trồng cây năng tượng.
Mô hình STC A1 - Sông trong ao công ty Etech STC.
Sản phẩm kết hợp chung mô hình Tôm - Cua Năng Tượng
Sưu tầm và viết bài: Trần Kim Ngoan
Duyệt nội dung: Ths Lê Trung Thực
Tài liệu tham khảo
https://vusta.vn/trong-hen-bien-giai-phap-cho-nguoi-nuoi-tom-that-bai-p82270.html