Nguyên tắc 1: Dòng chảy trong ao liên tục
- Đối với nhiều ao nuôi tôm sú, thẻ, tôm càng quảng canh, tôm thường bị thiếu oxy, nổi đầu hoặc rớt hàng loạt khi trời nắng nóng, trời đứng gió hay khi mưa nhiều liên tục. Khi nhiệt độ nước ao tăng cao hay gặp những cơn mưa giông đột ngột, môi trường nước ao thay đổi tạo điều kiện cho quá trình phân hủy của chất mùn bã hữu cơ diễn ra nhanh, làm phát sinh khí độc và giúp nhiều loại vi khuẩn có hại trong môi trường nước, trong không khí và trên bờ theo nước mưa xuống ao phát triển mạnh. Quá trình phân hủy chất thải, khí độc và hoạt động của vi khuẩn như thế tiêu thụ một lượng lớn oxy và cạnh tranh oxy với tôm gây thiếu oxy cục bộ ở tầng đáy.
- Do đó, trong quá trình nuôi tôm cần chuẩn bị oxy viên 24/24 để sử dụng trong điều kiện bất lợi như trên. Ngoài ra, việc tạo được dòng chảy liên tục trong ao cũng giúp phân tán oxy rất tốt. Thông thường, gió giúp tạo ra dòng chảy và mặc dù trái đất luôn vận động tức nước trong ao luôn di chuyển nhưng dòng chảy này nhỏ và yếu nên chúng ta không nhận thấy rõ. Do đó, nếu nuôi mật độ cao thì cần tạo dòng chảy liên tục và mạnh hơn nhằm đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan cho nhu cầu tăng cường hô hấp của tôm trong những trường hợp thời tiết không thuận lợi.
Sơ đồ mô hình “Sông Trong Ao - STC A1” Công Ty Etech STC
- Ngoài việc tạo oxy, việc duy trì dòng chảy liên tục trong ao nuôi còn giúp hệ vi sinh phát triển và giúp quá trình nuôi vi sinh trong ao tôm, cá được phát huy. Đồng thời, việc phục hồi cân bằng môi trường sinh thái cũng được cải thiện tốt hơn và nhanh hơn.
- Dòng chảy giúp lọc trong nước cho ao nuôi, giúp cho việc trao đổi chất và cân bằng hệ sinh thái trong ao. Để tăng khả năng lắng và lọc, cần bố trí thêm giá thể như: năng tượng, cây lúa, gốc rạ, cây mắm, cây đước và vôi CaCO3.
- Ngoài ra, dòng chảy trong ao giúp tạo ra các hạt hữu cơ lơ lửng và trong nước cung cấp thêm vi sinh có lợi như TS-39 + STC CLEAN sẽ nuôi dưỡng và duy trì trong ao nuôi gọi chung là hạt Bio-floc. Các hạt này cung cấp nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho tôm, cá giúp tiết kiệm được thức ăn, giúp ổn định môi trường, duy trì chất lượng nước, tạo màu trà duy trì hệ cân bằng ao nuôi và giúp tôm khỏe mạnh.
Nguyên tắc 2: Oxy liên tục và đảm bảo đủ
- Trong cuộc sống, chúng ta có thể nhịn ăn được 1 tháng và nhịn uống được 2-3 ngày nhưng nhịn thở được 30 giây là đã rất mệt. Cũng như vậy, động vật thủy sản cần lượng oxy hòa tan đủ được tạo ra do sự khuếch tán không khí vào nước để hô hấp, duy trì sự sống và tăng trưởng. Bên cạnh đó, oxy hòa tan không những cần thiết cho việc hô hấp duy trì sự sống và phát triển của tôm, mà còn cần thiết cho việc nuôi vi sinh, vi khuẩn có lợi và quá trình phân hủy mùn bã khí độc trong ao nuôi. Do đó, khi nuôi quảng canh hoặc công nghệ cao thì việc lựa chọn mật độ nuôi là rất quan trọng vì nếu nuôi quá dày môi trường mất cân bằng và nhu cầu oxy của tôm tăng cao.
- Ngoài ra, vào ban đêm tảo cũng cần oxy quang hợp và một số vi sinh cũng cần oxy để tăng mật độ và sinh sản. Do đó, việc duy trì hệ sinh thái trong ao nuôi và đảm bảo cung cấp đủ oxy cho tôm là rất quan trọng để ổn định môi trường và giúp tôm khỏe mạnh. Gần như hơn 50% các bệnh trên tôm như: gan tụy, chết sớm, cục râu, mòn đuôi, nấm, sức đề kháng yếu.., diễn ra là do thiếu oxy.
- Ở một số ao nuôi càng, thẻ về size lớn thường chết rải rác đến chết hàng hàng loạt do thiếu oxy. Đặc biệt, khi trời nắng, trời mưa hoặc nắng gắt vào ban ngày, thiếu gió vào ban đêm rất dễ xảy ra hiện tượng tôm thiếu oxy nổi đầu, dạt vào bờ, chết rải rác và có thể chết toàn bộ nếu thiếu oxy nghiêm trọng. Ngoài ra, khi nhiệt độ thay đổi, vi sinh trong nước và tảo phát triển mạnh sẽ tiêu thụ lượng lớn oxy hòa tan trong nước.
- Bên cạnh đó, khi trời mưa, vi sinh và một số vi khuẩn bất lợi từ không khí theo nước mưa xuống ao cũng cạnh tranh oxy để phát triển và làm cho lượng oxy hòa tan trong nước xuống thấp quá giới hạn. Do đó, nếu không cung cấp thêm oxy kịp thời thì tôm sẽ bị ngạt, rớt lai rai hoặc chết hàng loạt sau mưa. Đối với cá nuôi trên sông theo lòng bè, khi gặp luồng nước thiếu oxy thì cũng bị ngạt và chết hàng loạt.
Các mức độ oxy ảnh hưởng đến tôm, cá nuôi
- Oxy hòa tan < 1 mg/l: Tôm cá sẽ chết ngay tức khắc.
- Oxy hòa tan < 3 mg/l: Tôm cá tăng trưởng rất kém và đáp ứng miễn dịch giảm.
- Oxy hòa tan > 4 mg/l: Tôm, cá tăng trưởng bình thường.
- Oxy hòa tan > 5 mg/l: Tôm, cá tăng trưởng tốt.
Các nguồn tạo oxy hòa tan chủ yếu trong ao
- Quá trình quang hợp của tảo: Kiểm soát môi trường bằng vi sinh, khống chế tảo ở mức phù hợp tránh hiện tượng tảo dày lấy oxy về đêm hoặc sụp tảo gây tiêu tốn lượng oxy lớn.
Hình 1: Màu nước ao nuôi áp dụng mô hình STC A1.
- Sự khuếch tán trực tiếp từ không khí vào nước: Khi cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi, quá trình này cũng giúp những hạt nước đem oxy vào trong ao nuôi.
Hình 2: Cấp nước đưa oxy vào trong nước ao nuôi theo mô hình STC A1.
- Gió và sóng nước: Tạo dòng chảy trong ao giúp tăng khả năng lấy oxy từ không khí vào nước.
Hình 3: Tạo dòng chảy liên tục trong ao.
- Sục khí và quạt cơ học: Lắp thêm hệ thống sục khí hoặc thêm quạt vào ao nuôi khi nuôi mật độ quá cao hoặc những ao siêu thâm canh- STC. Quá trình này vừa tạo oxy vừa tạo dòng chảy tốt trong ao.
- Cung cấp dòng nước mới giàu oxy hòa tan: Chạy tuần hoàn nước liên tục giữa ao nuôi và ao lắng giúp sự trao đổi nguồn nước mới giàu oxy hơn theo mô hình STC A1.
Giải pháp chung
- Cần duy trì dòng chảy trong ao liên tục, sử dụng các giá thể như: năng tượng, gốc rạ, cây lúa cây đước, cây mắm, cây bần làm lắng và lọc nước giúp môi trường cân bằng.
- Giữ chuỗi thức ăn tự nhiên copepoda, crill trong suốt vụ nuôi và không để đứt đoạn chuỗi động vật phù du này. Tạo hệ sinh thái cân bằng phục hồi môi trường tự nhiên trong ao nuôi tôm, cá.
- Chuẩn bị oxy viên 24/24 dùng khi thời tiết bất lợi, giao mùa, thay đổi nhiệt độ, đứng gió, hoặc trước mưa tạt trực tiếp oxy xuống ao.
- Chọn mật độ nuôi phù hợp với kỹ năng người nuôi, điều kiện máy móc và quy mô nuôi.
Hình 4: Duy trì thức ăn tự nhiên Copepoda và Crill trong ao nuôi .
Nguyên tắc 3: Hạn chế tác động làm biến động môi trường ao nuôi
- Khi tôm, cá sốc môi trường đột ngột dễ bị stress, lờ đờ, ngừng ăn, sức đề kháng yếu, dễ bị tấn công bởi mầm bệnh có sẵn trong ao nuôi. Do đó, khi đang nuôi không nên thay nước đột ngột vì sẽ gây biến động lớn cho môi trường khiến tôm, cá bị sốc, bỏ ăn, giảm sức đề kháng tạo cơ hội cho các loại virus, vi khuẩn có hại xâm nhập tạo thành dịch bệnh trên tôm. Đặc biệt, nếu tôm đang trong quá trình điều trị bệnh, việc sốc môi trường sẽ làm cho vấn đề điều trị khó khăn hơn do tôm bỏ ăn, không ăn thức ăn đã trộn thuốc, làm hiệu quả điều trị giảm hoặc không hiệu quả.
- Vì vậy, việc cấp nước nên cần từ từ, tập cho tôm quen dần với môi trường mới. Trước khi cấp nước cần kiểm tra sức khỏe tôm và tăng cường sức đề kháng cho tôm. Đồng thời, cần chia thời gian cấp nước và lưu lượng nước qua ao nuôi dần dần để tôm, cá có đủ thời gian-nhiều ngày để thích ứng với nguồn nước mới. Thời điểm cấp nước nên vào buổi sáng sớm là tốt nhất và cần làm đúng giờ, cấp sau khi ăn để tôm cá quen khung giờ.
Hình 5: Tôm của farm Tuấn Nghị vừa phục hồi sau khi thay nước đột ngột gây sốc môi trường khiến tôm bỏ ăn.
- CaO người ta thường gọi là vôi nóng. Đây là hợp chất dùng cắt tảo rất tốt. Ngoài ra, chúng làm ổn định môi trường, tăng kiềm, tăng pH nhanh và hiệu quả. Do đó, có thể dùng để bón cải tạo ao ban đầu đối với ao bị nhiễm nặng do nuôi nhiều năm, còn tồn nhiều mầm bệnh. Tuy nhiên, việc tạt trực tiếp CaO khi ao nuôi có tôm với liều lượng quá nhiều sẽ gây biến động pH và tảo gây sốc tôm. Khi đó, tôm có thể bỏ ăn và bị phát sinh một số bệnh tiềm ẩn như đốm trắng, gan tụy khiến tôm chết lai rai hoặc chết hàng loạt.
- Việc ăn kháng sinh quá liều và lạm dụng ăn kháng sinh cũng làm sốc tôm, cá và ảnh hưởng ngược lại gan, tụy và đường ruột khiến chúng có thể bỏ ăn, stress hoặc chết.
- Ở một số trường hợp, khi người nuôi thấy tôm chậm lớn, ăn yếu, thức ăn trong ruột hình xoắn thì tiến hành xổ ký sinh trùng cho tôm. Tuy nhiên, xổ quá nhiều và quá liều khiến tôm hư đường ruột, tổn thương gan tụy và tôm rớt. Khi kiểm tra thấy Vermiform mức độ (+++) không nên dùng thuốc xổ ký sinh trùng vì mặc dù Vermiform có hình dạng giống giun và có kích thước, màu sắc, hình dạng khá tương đồng với ký sinh trùng Gregarine nhưng Vermiform không phải là ký sinh trùng.
- Tuy nhiên, mức độ Vermiform cao cho thấy gan tụy và đường ruột tôm đã bị tổn thương. Nếu lúc này lượng khuẩn Vibrio tăng cao thì khả năng gây ảnh hưởng đến gan tụy tôm là rất lớn, gây nguy cơ tôm rớt nhanh hàng loạt. Vì vậy, cần điều trị phục hồi gan tụy, đường ruột cho tôm ngay lúc này. Trường hợp tôm nhiễm ký sinh trùng - gregarine ở mức độ trung bình (++) thì cũng không cần dùng thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm vì xổ quá nhiều và quá liều có thể gây tổn thương gan tụy và ảnh hưởng đến đường ruột của tôm.
- Lưu ý chỉ nên xổ ký sinh trùng khi kiểm tra thấy tôm khỏe mạnh, không bệnh nền và ăn sung.
- Một số hóa chất Clo, CuSO4, sử dụng trực tiếp liều cao cũng làm tôm stress và ảnh hưởng tới gan tụy tôm. Tôm, cá có thể chết hoặc phát ra các bệnh tiềm ẩn do các mầm bệnh xâm nhập gây hại cho tôm.
Kết luận và khuyến nghị
- Người nuôi cần hiểu rõ 3 nguyên tắc bất di bất dịch ứng dụng vào nuôi tôm, cá để tránh rủi ro.
- Quá trình phát bệnh trên tôm, cá là quá trình tích lũy lâu dài và mầm bệnh cũng đã hiện diện sẵn trong ao nuôi trước đó. Vì vậy, khi trị bệnh cũng cần phải có thời gian cho tôm, cá phục hồi và cần có phác đồ điều trị sao cho tôm cá ít sốc nhất có thể và giúp cho chúng hấp thụ từ từ theo nguyên tắc“ trong đấm ngoài xoa”.
- Để tìm hiểu thêm về qui trình nuôi và kỹ thuật nuôi tôm cá, ếch, lươn, bà con hãy truy cập website của công ty Etech STC: etechstc.com
Sản phẩm chính thường sử dụng phòng ngừa nuôi tôm, cá:
Viết bài: Kỹ sư Trần Châu Liêm, Nguyễn Phước Hậu
Chỉnh sửa bản thảo: Ths Tô Kim Thúy
Chỉnh sửa và duyệt nội dung: Ths Lê Trung Thực