NUÔI TÔM QUẢNG CANH - CẢI TẠO BẰNG GÀU TAY HIỆU QUẢ

Sên vét thủ công bằng gàu tay trong nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nghề tưởng chừng như đơn giản nhưng giá trị của nó mang lại rất lớn và đáng được chúng ta nhớ đến, tôn vinh, và cần duy trì...

Tôm quảng canh những ngày sơ khai làm cải tạo sên vét bằng gàu tay.

  • Năm 1994, tỉnh Cà Mau cho phép chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa năng suất thấp ở phía đông huyện Đầm Dơi sang nuôi tôm quảng canh. Đến năm 1999, Chính phủ cho phép chuyển dịch cơ cấu 50.000 ha đất trồng lúa ở Đầm Dơi, Cái Nước và một số vùng lân cận sang nuôi tôm quảng canh và hình thức nuôi khác. Tuy bước đầu chuyển dịch cơ cấu còn gặp nhiều khó khăn nhưng hiệu quả từ việc nuôi tôm thì cao hơn nhiều so với trồng lúa nên người dân rất phấn khởi. Đến năm 2000, phần lớn diện tích đất trồng lúa phía Nam Cà Mau đã được chuyển sang nuôi tôm quảng canh. Như vậy, nghề tôm nuôi gắn với người dân Cà Mau đã từ lâu và đa số người dân đều có tay nghề nên cũng gặp nhiều thuận lợi vì kinh nghiệm trong nuôi tôm của người dân Cà Mau đã có từ sau ngày giải phóng 30/4/1975, chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống trên diện tích đất rừng, nuôi tôm quảng canh. 

Hình 1.  Nuôi tôm quảng canh - chuyên gia môi sinh Ths Lê Trung Thực kiểm tra tôm - cua - cá trong vuông rừng đước gần biển Hố Ruồi - Năm Căn - Cà Mau  8/2021.

  • Ngoài Cà Mau, các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, ở vùng lân cận cũng đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương như: diện tích giáp biển nhiều, nhiều sông rạch thông ra biển nên việc trao đổi nước thuận lợi, thêm vào đó do có chủ trương cho phép chuyển đổi cơ cấu từ Chính phủ nên thủy lợi cũng được đầu tư nhiều, dẫn đến diện tích đất nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng.
  • Ở thời kỳ đầu khi mới chuyển đổi cơ cấu, việc nuôi tôm chủ yếu là nuôi tự nhiên hay còn gọi là nuôi tôm quảng canh. Tôm quảng canh lúc ấy, người dân bắt tôm giống về thả (chủ yếu là tôm sú), sau thời gian thả giống thì chỉ việc xả nước cho dòng nước được lưu thông trong vuông và chờ đợi thu hoạch (thường thì từ tháng thứ 3 trở đi là có thể thu hoạch từ từ bằng hình thức đặt lú, giăng lưới,... Người dân không phải mất thêm chi phí nào khác ngoài chi phí mua tôm sú giống. Khi tôm đã lớn thì người dân thu hoạch dần và bên cạnh đó thì cũng bổ sung thêm lượng tôm giống mới, dần xen kẻ còn thả thêm cua giống nên ngoài thu nhập chính từ con tôm thì thu nhập từ con cua cũng không hề kém.
  • Định kỳ khoảng 6 tháng đến 1 năm, người dân tiến hành nạo vét kênh mương, sên bùn (hay còn gọi là sên sình, sên vuông bằng gàu tay). Đây là một hình thức con người dùng gàu để xới đất dưới đáy các kênh mương lên và phương pháp này lúc ấy áp dụng rất hiệu quả. Hầu như vụ tôm quảng canh nào cũng trúng. Người dân trúng tôm tổ chức ăn mừng, mua vàng, xây nhà mới, đầu tư xây dựng lộ nông thôn,... niềm vui lan từ nhà này đến nhà khác, ấp này đến ấp khác và từ xã này đến xã khác. Kinh tế người dân phát triển từ tôm quảng canh này.

Hình 2.  Anh Tây tuy lớn tuổi có nhiều bệnh nhưng vẫn sên gàu tay cải tạo vuông tại Cà Mau tháng 5/2022.

  • Trong thời điểm ấy, có một nghề mà người dân tại địa phương ít khi làm, chủ yếu là do lao động ngoài tỉnh làm đó là nghề sên bùn bằng tay dưới sự hỗ trợ của gàu. Lúc ấy, nhà nào nuôi tôm cũng thuê họ làm, đa số thợ sên bùn tại khu vực Cà Mau, Bạc Liêu đều là người dân từ phía ngoài và các tỉnh khác vào vì họ thấy đây là công việc ổn định, lại có thu nhập cao, được gia chủ nuôi cơm trong suốt thời gian ở lại làm, mà món ăn hằng ngày không có gì khác ngoài tôm, cua, cá, những đặc sản của địa phương. Sau khi hết thời gian làm thì túi ai cũng rủng rỉnh tiền, họ sống rất tiết kiệm nên hầu như toàn bộ số tiền khi ấy đều tích góp hoặc gửi về cho người nhà ở quê và tiếp tục đến những nhà khác để tiếp tục kiếm tiền bằng chính đôi tay và sức lực của mình. Tôi còn nhớ lúc ấy có hỏi một anh còn khá trẻ là: “Lí do nào khiến anh vào Cà Mau để làm nghề này?” thì được anh trả lời rằng: “Tốt nghiệp đại học xong, anh không xin được việc làm, mà trong Nam việc làm dễ tìm, thu nhập lại cao nên dự định làm vài năm tiết kiệm được một khoản kha khá rồi lên Sài Gòn lập nghiệp”. Lúc ấy, tôi nhớ rằng tôi mới chỉ học lớp 8, còn chưa tốt nghiệp cấp 2, nên khi nghe anh ấy nói đã tốt nghiệp đại học thì tôi rất ngạc nhiên và khâm phục. Thời điểm ấy ở quê tôi, nếu ai đỗ đại học là gia đình điều làm heo ăn mừng và mời cả xóm, cả xã đến chia vui vì rất hiếm người đậu đại học, và chắc chắn rằng sau khi tốt nghiệp đại học thì người đó cũng sẽ có một công việc ổn định mà nhiều người mơ ước.

Hình 3. Hai anh Ròng và anh Tuấn đang sên vuông bằng gàu tay rất hiếm thấy ngày nay Tại Cà Mau.

  • Ấy vậy mà anh này đã tốt nghiệp đại học khi còn rất trẻ, vì điều kiện khó xin việc làm ngoài quê nên mới di chuyển một đoạn đường rất xa để về Cà Mau làm công việc tay chân trong khi lẽ ra anh phải là thành phần trí thức cao trong xã hội thời ấy. Và giấc mơ lập nghiệp tại Sài Gòn, về quê xây nhà,... của các anh, các chú, các Bác làm nghề sên bùn, vét mương đa số đã trở thành hiện thực. Hiện nay, nhiều người đã có nhà tại Sài Gòn, còn số khác về quê thì cũng đã có nhà cửa khang trang, cuộc sống không còn vất vả như ngày xưa. Và thợ sên bùn tại Cà Mau đã chuyển dần từ người dân ngoại tỉnh thành người dân lao động tại địa phương.

Tôm quảng canh sau 30 năm công việc cải tạo sên vét bằng gàu tay rất hiếm hoi.

  • Vài năm trở lại đây, công việc nạo vét kênh mương, sên vét bùn bằng gàu tay, thực hiện thủ công bằng sức của con người đã trở nên hiếm hoi. Nguyên nhân có lẽ là đây không còn là công việc có thu nhập cao như khi xưa nữa, phần vì sức khỏe có hạn. Nhiều người dân lao động sinh sống bằng nghề này nay đã lớn tuổi, sức khỏe yếu không còn làm được. Trong khi thế hệ trẻ trong thời buổi công nghệ thì không mấy mặn mà với các công việc tay chân này. Thêm vào đó, xu hướng nghề nuôi đã thay đổi, diện tích nuôi tôm quảng canh cũng dần bị thu hẹp, giống tôm cũng đã được thay thế, từ tôm sú đã chuyển thành tôm thẻ. Ngoài ra, điều kiện khí hậu thời gian gần đây đã trở nên ngày càng khắc nghiệt, môi trường thì ô nhiễm nên người nuôi đã dần chuyển từ những biện pháp thủ công sang biện pháp công nghệ, dùng máy móc hỗ trợ. Thay vì sên bùn bằng tay, vừa mất thời gian, vừa tốn sức khỏe thì đã nay họ đã chuyển sang sên vét bằng máy và sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại khác.
  • Trước khi đại dịch Covid bùng phát, nghề nuôi tôm càng trở nên khó khăn hơn nên lực lượng lao động có xu hướng đi làm ngoài tỉnh, đặc biệt là lao động trẻ. Họ đổ dồn đến các tỉnh có khu công nghiệp như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh,….để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên họ vẫn có ước muốn quay về nuôi tôm khi cuộc sống không còn khó khăn hoặc khi cha mẹ già yếu,….
  • Sau khi Covid qua đi, người lao động các tỉnh cũng có xu hướng về quê vì các công ty, xí nghiệp gặp nhiều vấn đề khó khăn về tài chính, thậm chí có công ty phá sản nên lực lượng lao động xa xứ này đa số đều nghĩ đến việc trở về quê nhà và đầu tư lại cho mảnh vuông nhà mình sau một thời gian không chăm sóc. 
  • Tuy nhiên, để người dân tìm ra được một mô hình nuôi phù hợp với điều kiện tài chính, hoàn cảnh của bản thân là một vấn đề nan giải. Hiện nay, nghề nuôi tôm dần chuyển sang nuôi công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao nên cần nhiều vốn đầu tư, phải áp dụng khoa học, công nghệ nhiều thì mới dễ thành công. Mà những người đã từng vì khó khăn bỏ quê ra đi khi quay về thì cũng ít ai có đủ tài chính và kiến thức để đầu tư cho nuôi công nghiệp. Trong khi nuôi tôm quảng canh, nuôi tự nhiên giờ đây đã không còn hiệu quả như xưa vì những khó khăn, thách thức mà môi trường và khí hậu mang đến. Trước những khó khăn đó thì cánh cửa của nghề nuôi tôm cũng đã mở ra một cơ hội mới…

Tôm quảng canh sên vét cải tạo bằng gàu tay thấy đơn giản nhưng hiệu quả gấp bội.

  • Đợt 30/4 vừa rồi, tôi về quê có đến thăm nhà anh họ Trần Văn Bự tại Ấp Tân Thành A, Xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, Cà Mau và được anh chia sẻ niềm vui: “Nhờ sên sình, vét kênh trong vuông mà tôm sú nhà anh thả nuôi tự nhiên đợt này thu hoạch khá ổn định, khoảng 2 tháng nay ngày nào cũng cho thu nhập trên 1 triệu đồng, mà tôm trong vuông cũng còn rất nhiều”. Qua thông tin mà anh chia sẻ thì đó cũng là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nuôi tôm tự nhiên tại các địa phương. Việc sên bùn đáy trong vuông tôm là công việc cần thiết, nó giảm thiểu khí độc tích tụ dưới đáy vuông, trao đổi oxy, tạo cho tôm có môi trường phát triển tốt. Sỡ dĩ anh Bự có thành công như trên là do 3 tháng trời anh phải ròng rã phơi nắng, dầm mưa ở ngoài vuông, sên vét kênh mương, tạo mọi điều kiện cho tôm phát triển. Ông bà ta thường có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, và thực sự đã chứng minh 3 tháng vất vả của anh Bự đã được đền đáp xứng đáng. 

sên gàu tay

Hình 4. Thu hoạch tôm quảng canh tại nhà anh Hai  Bự - sau 3 tháng size tôm 17 con/kg  nuôi theo mô hình STC A3 - Sông trong ao  - 100% thức ăn tự nhiên.

  • Không cần bỏ ra quá nhiều kinh phí, chỉ cần cần mẫn, bám trụ với con tôm, tìm hiểu đặc điểm tự nhiên của con tôm thì con tôm cũng sẽ không phụ lòng người nuôi chúng.

Sên vét thủ công bằng gàu tay trong nuôi tôm quảng canh

Hình 5. Anh Hai Bự sên vét gàu tay tại vuông tôm quảng canh của mình.

  • Khi phỏng vấn về tại sau anh sên gàu tay anh Hai cho biết “ sên gàu giúp môi trường ít biến động, với lại ngày làm ít ít trưa nắng nực sên vừa mát vừa tập gân cốt khỏe mạnh”. Hỏi thêm vậy anh sên khi nào và sên bao nhiêu? anh đáp “sên khi ta thấy đáy kênh đen, chỗ nào đen sên trước, sên theo khu vực nước đỏ xấu sên trước, mỗi lần sên 1 đến 2 công, ngày làm ít ít, có khi kẹt đám tiệc 5 ngày mới sên lần”. Tham khảo mô hình sông trong ao STC A1 anh Bự đang áp dụng tại Cà Mau.

Kết luận và khuyến nghị

  • Hiện nay, mặc dù công việc sên bùn bằng gàu tay đã ít người làm và ít nơi làm nhưng ở đâu đó, khi bắt gặp những hoạt động này thì trong mỗi chúng ta đều có cảm giác hồi ức về ngày xưa. Đây cũng là một nghề rất đáng tôn vinh vì khi ấy, giữa điều kiện kinh tế - xã hội còn chưa phát triển thì công việc này cũng đã góp phần tạo nên thu nhập và góp phần cải tạo thiên nhiên. Ngày nay, đa số mọi người đã áp dụng máy móc, công nghệ để thay thế công việc sên bùn bằng gàu tay, vẫn là công việc nạo vét kênh, mương, sên bùn nhưng có nhiều cách để thực hiện. Và ở mỗi mô hình nuôi tôm (nuôi công nghiệp, nuôi quảng canh hoặc tôm quảng canh cải tiến,...) thì ở mỗi mô hình đều có biện pháp sên bùn khác nhau nhưng tác dụng mà việc sên vét bùn mang lại thì đều giống nhau, mang hiệu quả chung là để trao đổi khí, giảm khí độc đáy ao, đáy vuông và tạo môi trường thuận lợi nhất để tôm phát triển. 
  • Và một điều nữa mà trong bài viết này chúng tôi muốn nhấn mạnh là trong thách thức thì luôn có cơ hội. Khí hậu không ổn định, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng thì thách thức với ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm tự nhiên - tôm quảng canh thì ngày càng nhiều. Nhưng cơ hội thì luôn luôn có nếu chúng ta biết nắm bắt kịp thời và tìm được biện pháp phù hợp. Con tôm sống trong môi trường tự nhiên sẽ có điều kiện phát triển tốt nhất, vì vậy, chúng ta là người nuôi tôm thì hãy trao trả cho con tôm về với tự nhiên, tôm quảng canh, tôm sinh thái để tạo điều kiện cho chúng phát triển một cách tự nhiên nhất. Có như vậy, chúng ta mới giảm được chi phí, giảm rủi ro trong nghề và từng bước có thu nhập ổn định hơn, gắn bó lâu dài hơn với nghề nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiếng cũng như gắn bó phát triển bền vững phù hợp với địa phương nơi mình sinh sống.
  • Để tìm hiểu thêm về qui trình nuôi và kỹ thuật nuôi tôm cá, ếch, lươn, bà con hãy truy cập website của công ty Etech STC: etechstc.com.

sên gàu tay

STC FLOCKOCTHAIL được dùng định kỳ trong ao nuôi để tạo và duy trì nguồn thức ăn tự nhiên, giúp ổn định môi trường ao nuôi, tôm nhanh lớn.

Viết bài: Ths Trần Kim Ngoan

Duyệt nội dung: Ths Lê Trung Thực

 

Đăng kí nhận tin