CÓ LẼ BẠN CHƯA BIẾT TRƯỚC KHI NUÔI TÔM CẦN GÌ?

Hiện nay, khi khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, mạng lưới công nghệ thông tin, truyền thông đã làm cho mọi người ở khắp mọi nơi trên mọi miền tổ quốc dễ dàng tiếp cận tri thức. Trong ngành nuôi trồng thủy sản cũng vậy, khi một mô hình nuôi thành công thì mô hình ấy dễ dàng được nhân rộng ở khắp nơi, nhiều lúc vì quá vội vàng, muốn làm giàu nhanh mà người dân nhanh chóng đầu tư khi chưa tìm hiểu kĩ về nó cũng như chưa lường hết được những khó khăn, thách thức trong quá trình nuôi. Vậy, trước khi nuôi tôm, các hộ dân cần phải chuẩn bị những gì? 

Vốn

Như chúng ta đã biết, để đầu tư vào bất kỳ vấn đề gì thì nguồn vốn lúc nào cũng rất quan trọng. Trong nuôi trồng thủy sản cũng vậy. Thông thường, người dân thường nuôi tôm bằng diện tích đất có sẵn, một số hộ thì đủ tài chính để mua các trang thiết bị, vật tư, làm ao,... ngược lại, một số hộ thì chưa có sẵn vốn, vay mượn để đầu tư nuôi tôm, hy vọng đổi đời.. Chính vì vay mượn nên khi thất mùa, họ vẫn cố gắng vay mượn để làm tiếp thêm vụ sau, hy vọng thành công, trả được nợ cũ, phần thừa thì đầu tư lại vụ mới. Tuy nhiên, chính điều đó lại gây ra tình trạng một số hộ nuôi không thành công, nợ cũ chồng nợ mới nên nhiều lúc phải bán nhà, bán đất để trả nợ. Vì vậy, nếu không tính toán kỹ và phân chia tài chính hợp lý, rất có thể chúng ta từ chỗ có dư để đầu tư chỉ sau vài tháng ngắn ngủi đã mất tất cả.

 Đặc biệt, đối với các hộ nuôi công nghệ cao thì cần phải chuẩn bị tài chính kỹ càng hơn nữa, vì nếu trong quá trình nuôi nếu có sai sót xảy ra, hoặc do điều kiện khách quan không thuận lợi thì hậu quả cũng sẽ rất nghiêm trọng. Lời khuyên của chúng tôi là: trước khi bắt đầu đầu tư vào nuôi công nghiệp, các hộ cần chuẩn bị kỹ tài chính, cần chia thu nhập của gia đình thành nhiều khoản khác nhau, ví dụ như: Tài khoản 1 (dành cho con học hành), Tài khoản 2 (ốm đau, bệnh tật), Tài khoản 3 (mua nhà, mua xe,...), Tài khoản 4 (đầu tư, kinh doanh), Tài khoản 5 (Mua thuốc, giống, thức ăn, tiền mặt tái đầu tư,...), Tài khoản 6: dự phòng. Đồng thời khi mới nuôi chúng ta cần chia ra nhiều giai đoạn để nâng cấp quy mô khi đó người nuôi cần có đủ thời gian tập sự và học hỏi kinh nghiệm không nên làm một lúc ồ ạt nhiều ao mà nâng từ từ từng bước để quen dần với điều kiện nuôi và phù hợp thực tế.

Nhân lực

  Ngoài nguồn vốn thì nhân lực cũng không kém phần quan trọng. Đầu tiên, khi thuê người nuôi thì cần người nuôi có thái độ tốt, chịu khó và lắng nghe, ham học hỏi, cầu tiến, trung thực và đạo đức tốt. Khi nuôi trực tiếp tại ao, chủ ao cần mô tả công việc cụ thể cho người nuôi và định hướng nghề nghiệp. Ngoài người nuôi trực tiếp tại ao thì cũng cần thêm người phụ trách kỹ thuật để hỗ trợ khi cần thiết. Người nuôi cần biết kỹ thuật cơ bản hoặc được qua đào tạo cơ bản về kỹ thuật nuôi tôm, cá biết cơ bản về bệnh tôm và quản lý môi trường trong ao nuôi tôm.

Con giống

Phải đảm bảo rằng con giống khỏe mạnh, đã được kiểm dịch nghiêm ngặt về bệnh như chết sớm/gan tụy cấp (EMS/AHPND), đốm trắng (WSSV), vi bào tử trùng (EHP), còi (MBV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHHNV) không được bệnh. Khi tôm bắt về không chết trong bọc, việc pH trong trại tôm giao động từ 7.0-7.1 nên cần thuần nước đúng pH nước cần thả. Cần kiểm tra độ mặn ao nuôi và báo trại giống để nơi sản xuất thuần đúng độ mặn cho phù hợp, tránh trình trạng tôm giống bị sốc dẫn đến bị hao hụt sau khi thả.

CHƯA BIẾT TRƯỚC KHI NUÔI TÔM CẦN GÌ

CHƯA BIẾT TRƯỚC KHI NUÔI TÔM CẦN GÌ

Hình tôm giống Copepoda được phân phối bởi Công ty Etech STC.

Diệt khuẩn, vệ sinh, khử trùng ao nuôi và tất cả các vật tư, trang thiết bị

Sau một vụ nuôi kéo dài, các vật tư, trang thiết bị tích tụ rất nhiều chất bẩn, các vi khuẩn, mầm bệnh tiềm ẩn nếu không được vệ sinh diệt khuẩn cẩn thận, kỹ lưỡng sẽ là nơi tìm ẩn phát sinh các dịch bệnh gây hại cho tôm.

Các vật tư trang thiết bị như: lưới, xô, ống, vợt, nhá, bộ sục khí đáy, dàn quạt khí, máy cho ăn,…phải được rửa thật sạch và khử trùng bằng clo hoặc các chất khử trùng khác. Rửa sạch nhiều lần và phơi khô dưới ánh sáng mặt trời để diệt hết vi khuẩn gây hại và mầm bệnh tiềm ẩn có thể gây hại cho tôm khi thả vụ mới.

Kiểm tra lại bạt bờ, bạt đáy, vá ngay nếu có trình trạng bị thủng để tránh nền đất đáy bị phèn xì lên ao tôm trong quá trình nuôi. Tình trạng bạt bờ, bạt đáy quá cũ có thể thay mới.

Tiến hành lắp đặt các vật tư trang thiết bị: Hệ thống sục khí đáy, dàn quạt khí tạo oxy tầng mặt, hệ thống hố xi phông, máy cho ăn,… vào ao nuôi để sẵn sàng cho một vụ nuôi mới.

Chuẩn bị nguồn nước sạch và kiểm tra các chỉ tiêu nước trong ao nuôi

Người ta thường nói: “Nuôi tôm là nuôi nước’’, còn nuôi nước là nuôi gì? Nước ổn định tức là tảo ổn định và tảo tốt mới được, việc môi trường tảo liên quan đến pH và kH trong ao nuôi. Song song với đó là hệ vi sinh cần thiết cho quá trình xử lý nước và xử lý đáy ao cũng phải sử dụng đúng và đủ. Ngoài ra, việc cung cấp lượng khoáng nhiều vào ban ngày cũng sẽ nuôi tảo, giúp ao biến động tảo. Nuôi tôm cần môi trường càng ít biến động càng tốt, càng làm tôm ít bị sốc càng tốt.

CHƯA BIẾT TRƯỚC KHI NUÔI TÔM CẦN GÌ

Hình màu nước farm nuôi Thành Thật - Đầm Dơi - Cà Mau.

Trước khi cấp nước vào ao nuôi, nguồn nước phải đảm bảo sạch và qua lọc kỹ không ký sinh trùng, vi bào tử trùng ( EHP), 2 mảnh vỏ..,. Nước ở ao lắng được phơi nắng, tạt CaO từ 500 -800kg/1000m2 xử lý triệt để EHP, ký sinh trùng và  được chạy quạt liên tục để ổn định nước. Sau đó nước từ ao lắng được chuyển qua ao sẵn sàng chuẩn bị cấp vào ao nuôi đây là quy trình xử lý áp dụng cho công nghệ Siêu Thâm Canh - STC. Nước chứa trong ao sẵn sàng sau khi xử lý để không quá 2 ngày nếu để quá lâu nước sẽ bị nhiễm khuẩn trở lại.

Nhiệt độ nước thích hợp trong ao nuôi tôm: 28 – 30oC. Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong ao nuôi luôn > 4 ppm, oxy càng nhiều càng tốt. Điều chỉnh pH ở mức 7.5 – 7.8, biến động pH giữa buổi sáng và chiều chênh lệch không quá 0.5 độ. Độ kiềm cần giữ ở mức 150 – 180 mg CaCO3/l, tránh trường hợp vừa thả tôm vài ngày thì kiềm xuống thấp, làm suy giảm hệ vi sinh vật có lợi trong ao, dẫn đến ao nuôi mất màu nước, đồng thời tạo sự thuận lợi cho vi khuẩn có hại tăng mạnh gây hại cho tôm nuôi.

Các trang thiết bị, vật tư khác

Ngoài các điều kiện và các trang thiết bị như đã đề cập ở trên, chúng ta cũng cần chuẩn bị thêm một máy phát điện dự phòng để sử dụng trong trường hợp bị cúp điện. Cần chú ý an toàn về nguồn điện vì nguồn điện cũng rất quan trọng, góp phần vào thành công của vụ nuôi. Một vấn đề rất quan trọng là đường dây điện không đủ tải hoặc không đủ quạt tạo oxy nuôi. Ngoài ra, cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho tôm, vitamin tổng hợp, enzyme,  khoáng đảm bảo cho tôm phát triển.

Trên đây là những vấn để cần chuẩn bị cho các hộ trong vụ nuôi mới, Công ty Etech STC  kính chúc quý bà con nuôi trồng thủy sản sẽ có một vụ mùa thành công.

Đọc nhiều bài viết về quản lý ao nuôi tại: www.etechstc.com

                                           Viết bài: Ths. Trần Kim Ngoan

                                              Chỉnh sửa và duyệt nội dung: Ths. Lê Trung Thực

Đăng kí nhận tin