Hiện nay, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là khu vực Tây Nam Bộ, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản có điều kiện đã chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao sau nhiều vụ nuôi thành công. Đối với việc nuôi tôm công nghệ cao, đặc biệt là nuôi với mật độ dày thì việc sang chiết tôm từ ao đang nuôi sang ao khác để tôm có điều kiện phát triển nhanh hơn là một việc làm rất cần thiết để mang lại hiệu quả cao. Vậy trước khi sang chiết tôm cần phải chuẩn bị những gì? Có bao nhiêu cách sang chiết tôm trong nuôi công nghiệp? Nên sang chiết tôm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Những công việc cần chuẩn bị và lưu ý trước khi sang chiết tôm
Chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trước khi sang tôm, chuyển giai đoạn nuôi để hạn chế hao hụt ở mức thấp nhất, cụ thể cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thời điểm sang tôm hiệu quả: tôm từ 20-25 ngày tuổi trở lên, nên chọn mật độ vèo và thiết kế ao vèo phù hợp để nuôi tôm được mạnh khỏe trong vèo và sang tôm ít hao và tôm có sức đề kháng tốt.
Hình ảnh sang chiết tôm trên ao lót bạt tại Farm chú 10 Cường, địa chỉ tại Xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
- Điều kiện thời tiết: Khi trời mát, vào buổi sáng sớm, vì lúc ấy tôm được bổ sung oxy đầy đủ nhất. Nhiệt độ ở cả 2 ao lúc này đều tốt và tương đối cân bằng.
- Kiểm tra bệnh trên tôm trước khi sang chiết, tránh để tôm bị cong thân, đục cơ hoặc bệnh gan tụy chết sớm (EMS/AHPND). Đặc biệt, 3-4 ngày trước khi tôm, cần xổ ký sinh trùng để tôm khỏe và không mang mầm bệnh sang ao mới. Không nên sang tôm khi phát hiện tôm trong ao nuôi đang bị bệnh, cần phải điều trị và luôn đảm bảo rằng tôm qua sức khỏe tốt vì nếu sức khỏe không tốt tôm qua sẻ hao hụt nhiều hoặc dễ phát bệnh.
- Môi trường nước: nước phải được xử lý kỹ lưỡng trước khi sang chiết, diệt khuẩn, lọc nước để tránh các sinh vật có hại cho tôm, gây màu nước phù hợp. Kiểm tra độ mặn, nhiệt độ, độ pH, oxy … phải đảm bảo môi trường nước trong ao nuôi và ao ương giống nhau.
- Nên cắt ăn 1 cữ trước thời điểm sang tôm vì lí do để tôm tiêu hóa hết lượng thức ăn, giảm hao hụt.
Hình ảnh tạt vitamin tổng hợp và khoáng trước khi sang tôm tại Farm Đức Thuận - Kiên Giang.
- Ao được sang tôm cần tạt vitamin C hoặc vitamin tổng hợp trước khi sang tôm để tôm qua được khỏe mạnh. Ngoài ra, trước và sau khi sang tôm, chúng ta cần tạt lượng khoáng cao cấp SJC 09 liều gấp đôi thường ngày và kết hợp việc cho ăn Remix Feed liều 20 ml/kg thức ăn để cung cấp lượng khoáng giúp cho tôm cứng vỏ, hấp thụ khỏe để không bị đục cơ, cong thân.
- Cách cho ăn sau khi sang chiết tôm: sau khi sang tôm xong, tôm sẽ mệt nên sẽ không ăn nhiều, vì thế chúng ta chỉ nên cho ăn khoảng 50% lượng thức ăn, chạy quạt, bổ sung khoáng, vitamin cho tôm. Sau khi tôm khỏe, chúng ta nên tăng lượng thức ăn lên dần, không nên tăng quá nhanh. Khi tôm đã ổn định, ta nên cho ăn 60% lượng thức ăn vào ban ngày và 40% lượng thức ăn vào ban đêm. Nên giảm từ 30-50% lượng thức ăn vào những ngày nắng nóng, mưa to hoặc khi tôm lột xác,.. Việc giảm lượng thức ăn nhằm tránh trường hợp thức ăn thừa đọng lại dưới đáy ao gây ô nhiễm môi trường nước, không tốt cho tôm.
- Không nên sang chiết tôm lúc tôm đang lột vỏ vì lúc này tôm khá yếu nên khi chúng ta tác động lúc sang chiết hoặc khi thay đổi môi trường thì tôm sẽ rất dễ chết, ảnh hưởng đến sản lượng tôm.
Một số cách sang chiết tôm thường áp dụng
Sang tôm bằng lưới kéo
Đây là cách sang tôm khá truyền thống và được áp dụng rộng rãi không chỉ trong nuôi tôm công nghiệp mà ngay cả nuôi cá, ếch, lươn,… cũng có thể áp dụng được. Một vài đặc điểm của phương pháp sang chiết tôm này là:
- Phương pháp này khá thủ công nên cần nhiều nhân lực phục vụ cho việc chài, kéo lưới, cân, rổ kích thước lỗ phù hợp size tôm…
Hình ảnh cân sang tôm tại Farm Đức Thuận - Kiên Giang.
- Sang chiết tôm thường chọn vào buổi sáng hoặc lúc trời mát (thường thì buổi sáng sẽ tốt hơn, vì nếu làm buổi chiều mát thì khi đêm xuống, tôm rất dễ thiếu oxy ….)
Hình ảnh kéo lưới đang sang tôm tại Farm Đức Thuận - Kiên Giang.
- Người nuôi chủ động biết được số lượng tôm khi sang ao, dễ dàng, chủ động trong việc chăm sóc, cho ăn (không nhiều quá tránh gây lãng phí, hoặc cho ăn ít thì tôm không lớn nhanh).
Sang tôm bằng đường ống, cống hoặc van
- Trước khi sang tôm, người nuôi cần chuẩn bị môi trường nước và các điều kiện khác cho tương thích, phù hợp với nhau, càng giống nhau về điều kiện càng tốt giữa ao ương và ao sang. Trước khi sang, cần cho quạt đảo nước để môi trường tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, oxy hòa tan,…
- Cách sang chiết này có ưu điểm lớn là con tôm không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố môi trường, không bị tác động bởi con người vây bắt. Với cách này, chúng ta thường sử dụng trên ao bạt 100%, ao có hệ thống đường ống tốt và độ dốc tốt để quá trình vận chuyển tôm ít hao và khỏe mạnh. Tuy nhiên, một hạn chế lớn là chúng ta khó có thể kiểm soát số lượng tôm trong ao nuôi, khó chủ động trong việc cho ăn và chăm sóc.
Sang tôm bằng cách đào rãnh giữa 2 bờ
- Đối với ao đất hoặc ao lót bạt bờ, việc đặt lú hoặc kéo sẽ làm tôm rất yếu và hao hụt nhiều. Ngoài ra, tôm thẻ rất nhạy với môi trường mới, rất dễ sốc tôm và khi tôm qua ao mới sẽ dễ bị bệnh đường ruột và thường rớt đáy. Chính vì vậy, việc bữa bờ ngang và đầu kia bơm nước qua cho lượng nước mới thuần hóa tôm và hoàn lưu ít nhất 3-4 ngày liên tục đến khi nhận thấy môi trường 2 bên tương đồng nhau, tôm đã khỏe thật sự thì chúng ta mới dỡ lưới chắn cho tôm qua và sử dụng thức ăn để kích thích thêm cho tôm qua nhanh hơn. Với cách sang tôm này, tôm sẽ khỏe và an toàn hơn, không hao hụt, sức đề kháng của tôm tốt.
Hình bửa bờ sang tôm tại Farm Ngọc Trinh - Trà Vinh.
- Đối với ao đất, oxy và dòng chảy trong ao giúp gom phân hoặc bùn dơ trong ao. Ngoài ra, việc trao đổi nước giữa ao nuôi và ao chuẩn bị sang là rất quan trọng, do nước đục nên mật độ oxy không cao hoặc việc trang bị thiết bị quạt hệ thống oxy đáy vẫn chưa đảm bảo nên cần thiết kế ao gom tốt, giữ dòng chảy trong ao luôn động, nước trao đổi 2 ao càng nhiều càng tốt. Cần có hố syphon để giải quyết các bùn, phân tôm và thức ăn dư thừa giúp giảm tải ô nhiễm trong ao nuôi.
Như vậy, thông qua các thông tin mà Etech STC chúng tôi vừa cung cấp về các phương pháp sang chiết tôm trong nuôi công nghiệp và một số vấn đề cần chuẩn bị để việc sang chiết tôm đạt hiệu quả ở trên, chúng tôi hy vọng rằng, bà con nông dân sẽ chọn lựa ra được phương pháp sang chiết tôm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của mình để vụ nuôi mang lại hiệu quả cao nhất Etech STC luôn đồng hành cùng bà con. Kính chúc bà con một vụ mùa bội thu.
Đọc nhiều bài viết về quản lý ao nuôi tại: www.etechstc.com.
Người viết bài: Ths. Trần Kim Ngoan
Chỉnh sửa hình ảnh và đăng bài: Trần Duy Khãi
Chỉnh sửa và duyệt nội dung: Ths. Lê Trung Thực